Miếng mồi ngon ở Đông Nam Á Quan_hệ_Pháp_–_Việt_Nam

Ngoại giao bằng pháo hạm

Xem thêm: Thiệu Trị
Jean-Baptiste Cécille, người chỉ huy cuộc tấn công đầu tiên của Pháp vào Đại Nam vào năm 1847.

Thực ra, ngoài sự ép của lý do tôn giáo, lý do chính mà vua Pháp từ chối thiết lập quan hệ với triều đình Đại Nam là vì họ muốn nắm giữ cái cớ để có thể tấn công vào Việt Nam như cách mà người Anh đã làm ở Trung Quốc. Ngay từ cuối thập niên 1750, theo các tài liệu mà Pierre Poivre cung cấp, một sĩ quan cao cấp của Hải quân Pháp là đô đốc Charles Hector Théodat, tức Bá tước d'Estaing, đã xây dựng một kế hoạch tập kích vào Phú Xuân. Kế hoạch này dù sao cũng không được thực hiện trong những năm sau đó, mà nguyên nhân chính là do những khó khăn về tài chính của triều đình Pháp cũng như cuộc Cách mạng Pháp 1789-1799. Đây cũng chính là lý do Hiệp ước Versailles trở thành tờ giấy vô giá trị.

Sau nỗ lực ngoại giao bất thành của Đại Nam năm 1841, người Pháp hiểu rõ họ ở thế thượng phong và nắm được cái cớ để có thể tiến hành xâm lược. Năm 1843, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, François Guizot, đã gửi một đội tàu sang phía Đông, do Phó Đô đốc Jean-Baptiste Cécille và Đại tá Hải quân Leonard Charner chỉ huy[8], đóng tại Nam Trung Quốc để hỗ trợ người Anh. Cùng một lúc, người Pháp muốn đạt được 2 mục tiêu: thâm nhập vào Trung Quốc như cách người Anh đã làm, đồng thời cũng tìm cách tạo ra lý do để tấn công vào Việt Nam.[14]

Không phải chờ lâu, ngày 25 tháng 2 năm 1843, nhân việc 3 giáo sĩ Pháp bị triều đình Huế xét án tử hình, Cécille đã cử chiến hạm Héroïne, do Trung tá Hải quân Félix Savin Lévêque chỉ huy, đậu ngoài khơi Đà Nẵng làm áp lực buộc triều đình Huế phải trao trả 5 giáo sĩ Pháp bị giam ở Huế. Vua Thiệu Trị bấy giờ nới lỏng các biện pháp cấm đạo nên đã đồng ý phóng thích.

Bức ảnh pháo đài Non-Nay chụp năm 1845.

Ngày 31 tháng 10 năm 1844, Giám mục Dominique Lefebvre (tên Việt là Ngãi), Giám mục hiệu tòa Isauropolis, đại diện tông tòa Giáo phận Nam Đàng Trong, bị triều đình bắt ở Cái Nhum, bị giải ra Huế và bị kết án xử tử. Nhận được tin này, Đại tá Hải quân Hoa Kỳ John Percival, chỉ huy tàu USS Constitution lập tức can thiệp, đồng thời cho người sang Trung Quốc báo tin cho đô đốc Cécille[15][16]. Cécile bèn cử tàu Alcmène, do Trung tá Hải quân Fournier du Plan chỉ huy, đêm 30 tháng 5 năm 1845, neo gần lối cảng vào Đà Nẵng để cùng với tàu USS Constitution gây áp lực với triều đình Huế. Một lần nữa, triều đình Đại Nam đồng ý trao trả Giám mục Lefebvre Ngãi vào ngày 16 tháng 6 năm 1845, với điều kiện không được đặt chân lên lãnh thổ Đại Nam lần nữa.

Trong thời gian tàu Alcmène lưu đậu tại Đà Nẵng, một thành viên tháp tùng trên tàu là Jules Itier đã chụp bức ảnh đầu tiên tại Việt Nam, được biết với tên gọi Vue du fort cochinchinois de Non-Nay (Cảnh pháo đài Non-Nay của xứ Đàng Trong).

Tuy được phóng thích và lên tàu Alcmène để sang Singapore, không lâu sau, ngày 23 tháng 5 năm 1846, Giám mục Lefebvre Ngãi cùng với linh mục Duclos Lộ và ba chủng sinh, đáp tàu của một giáo dân là Matthêô Lê Văn Gẫm[17] để trở lại Đại Nam. Ngày 6 tháng 6 năm 1846, tàu vào cửa Cần Giờ thì bị quan binh triều đình bắt giữ. Trừ linh mục Duclos Lộ chết trong tù, các giáo dân Việt bị giam tại Bến Nghé, Giám mục Lefebvre Ngãi bị giải ra Huế và một lần nữa bị kết án tử hình.

Một lần nữa người Pháp lại can thiệp. Tháng 3 năm 1847, Cécille cử 2 chiến hạm Gloire, do Đại tá Hải quân Augustin de Lapierre chỉ huy và Victorieuse do Trung tá hải quân Rigault de Genouilly sang Việt Nam. Ngày 9 tháng 4 năm 1847, Giám mục Lefebvre Ngãi một lần nữa được phóng thích[18]. Các sĩ quan Pháp tiếp tục đưa ra yêu cầu phải bỏ dụ cấm đạo, cho phép người trong nước được tự do theo đạo mới. Trong lúc chưa ngã ngũ, ngày 15 tháng 4 năm 1847, 2 chiến hạm này lấy cớ các tàu buồn Đại Nam neo gần đấy có biểu hiện khiêu khích, đã nổ súng tấn công 6 thuyền chiến đậu trên vịnh và các đồn lũy phòng vệ bờ biển của triều Nguyễn ở Đà Nẵng. Kết quả là quân Pháp đã đánh đắm 3 chiến thuyền của Việt Nam trước khi bỏ đi[19]

Tức giận trước hành động ngang ngược của người Pháp, Thiệu Trị ra dụ cấm người ngoại quốc vào giảng đạo và trị tội những người trong nước đi theo đạo. Có lẽ ông không nhận thức được rằng tôn giáo chỉ là cái cớ và những hành động ngang ngược của người Pháp là những hành động nắn gân sức phòng thủ của Đại Nam, mở đầu "đường lối ngoại giao pháo hạm", chuẩn bị cho hành động xâm lược về sau này.

Thiệu Trị băng hà, Tự Đức lên ngôi. Dù là một người thông minh và chăm lo chính sự, nhưng là một người bảo thủ và nhu nhược, ông không đủ sự cương quyết để canh tân đất nước như Minh Trị Thiên hoàng đã làm cho nước Nhật sau đó vài mươi năm.

Sau một thời gian ổn định tình hình trong nước, ngày 16 tháng 9 năm 1856, tàu chiến Pháp Catinat, do Trung tá Hải quân William Le Lieur, bá tước de Ville-sur-Arce, chỉ huy, sau khi đến Đà Nẵng đã ra cửa Thuận An-Huế đệ trình quốc thư ủy nhiệm của sứ thần Hoàng đế Pháp Napoléon III là Charles de Montigny, yêu cầu tự do buôn bán, tự do truyền giáo. Không đợi triều Nguyễn trả lời, ngày 26 tháng 9, Le Lieur cho tàu quay lại Đà Nẵng, nổ súng bắn vào các đồn hải phòng, và cho 50 lính đổ bộ lên bờ tấn công, phá hủy một số đồn lũy và 66 khẩu thần công, bắt đi 40 quân lính làm tù binh, và ném các thùng thuốc súng xuống biển. Sau đó, quân Pháp rút lên tàu ra ngoài khơi. Quan quân triều đình bất lực không làm gì được.

Ngày 24 tháng 10, một tàu chiến Pháp khác là Capricieuse do Trung tá Hải quân Jules Collier cũng đến hiệp trợ, một lần nữa đưa yêu cầu của Montigny. Triều đình Huế cự tuyệt. Ngày 23 tháng 1 năm 1857, tàu Marceau chở đích thân Montigny cập cảng Đà Nẵng rồi ra Huế. Một lần nữa Nhà Nguyễn kiên quyết cự tuyệt, Montigny đành bỏ về, mang theo Giám mục François Pellerin về Pháp.

Đánh giá sự yếu kém cả về chính trị lẫn quân sự của triều đình Huế, ngày 22 tháng 4 năm 1857, Napoléon III quyết định thành lập một ủy ban lấy tên "Commission de la Cochinchine" (Hội đồng Nam Kỳ) do nam tước Brenier de la Renaudiaere đứng đầu xây dựng kế hoạch đánh chiếm Việt Nam, lấy mục tiêu đầu tiên là Đà Nẵng. Tháng 7 năm 1857, Napoléon III thông qua kế hoạch. Tháng 9 năm đó, tàu Catinat vào Đà Nẵng, bí mật đón các giáo sĩ Pháp, thông qua đó một lần nữa bổ sung tin tức tình báo chuẩn bị triển khai tấn công Việt Nam. Nhân có việc 2 giáo sĩ Tây Ban Nha hoạt động trong Hội Thừa sai Paris bị triều đình Nguyễn xử tử ở Bắc Kỳ, Napoléon III và Giáo hội Pháp đã thương nghị với chính phủ Tây Ban Nha phối hợp hành động.

Pháp xâm lược Việt Nam

Đà Nẵng được người Pháp chọn làm điểm khởi đầu trong kế hoạch đánh chiếm Việt Nam, do vị trí hải cảng sâu và rộng, thuận tiện cho tàu chiến vào ra, lại nằm trên trục đường Bắc – Nam, có thể sang Lào, Căm Bốt và chỉ cách kinh đô Huế khoảng 100km, rất thuận lợi cho việc "đánh nhanh thắng nhanh" của liên quân Pháp - Tây Ban Nha (gọi tắt là Liên quân). Ngoài ra, Đà Nẵng còn có cánh đồng NamNgãi để nuôi quân, còn có nhiều giáo sĩ và giáo dân thân Pháp. Đánh chiếm được Đà Nẵng, vượt đèo Hải Vân, rồi tấn công Huế; chính là con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, ít hao tốn tiền của và nhân lực nhất để thực hiện được ý đồ của Pháp và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, phải chờ đến sau Hiệp ước Thiên Tân (28 tháng 6 năm 1858) được ký kết, quân đội Pháp ở Viễn Đông mới có thể rảnh tay chuyển sang mặt trận khác…

Cuối tháng 8 năm 1858, Liên quân do Phó Đô đốc Rigault de Genouilly[20] chỉ huy, được lệnh phối hợp với đạo quân Tây Ban Nha do Đại tá Lanzarotte chỉ huy, gồm 14 tàu chiến Pháp, 3.000 quân lính thủy đánh bộ và 300 lính Filipino do các sĩ quan Tây Ban Nha chỉ huy[21], chiều tối ngày 31 tháng 8 năm 1858 đã tập kết trước cửa biển Đà Nẵng.

Sáng ngày 1 tháng 9, De Genouilly gửi tối hậu thư buộc quan Trấn thủ Đà Nẵng, trong hai giờ phải giao nộp tỉnh thành. Nhưng không đợi trả lời, đại bác của liên quân đã tập trung hỏa lực bắn tới tấp hàng trăm quả vào cửa sông Đà Nẵng và các đồn ở bán đảo Sơn Trà, sau đó, Liên quân tấn công trên bộ.

Sau một số thắng lợi bước đầu, Liên quân vấp phải sự chống trả quyết liệt và hiệu quả của quân Nam. Đặc biệt, kể từ khi Kinh lược sứ Nam Kỳ Nguyễn Tri Phương được điều về làm Tổng thống quân vụ Quảng Nam, quân Đại Nam chủ trương không đánh chính diện để tránh sức mạnh hỏa lực của đối phương, thực hiện phục kích, "vườn không, nhà trống" để cô lập và triệt đường tiếp tế và cho đắp lũy dài từ Hải Châu vào tới Phúc Ninh, Thanh Giản, để bao vây Liên quân ngoài mé biển. Với chiến lược này, Liên quân hoàn toàn bị cầm chân không thể phát triển được.

Bị hao mòn vì quân Nam tập kích, thiếu lương thực, bệnh tật không không hợp thủy thổ[22], dù được Giám mục Pellerin khuyên nên đem quân ra chiếm Bắc Kỳ, vì ở đó có giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo, và những người còn tôn phù Nhà Lê nổi lên góp sức, nhưng sau khi cân nhắc, tướng De Genouilly không tán thành. Ông ta quyết định chuyển hướng tấn công. Ngày 2 tháng 2 năm 1859, chỉ để lại 1/3 số quân (khoảng 1.000 người) và 6 tàu chiến, bàn giao cho Đại tá Faucon nắm giữ, còn bao nhiêu De Genouilly cho rút hết vào Nam, mở mặt trận mới ở Gia Định.

Nam Kỳ

"Saigon est un fleuve accessible à nos corvettes de guerre et à nos transports. Les troupes, en débarquant, seraient sur le point d'attaque; elles n'auraient donc ni marches à fournir ni vivres à porter. Cette opération est tout à fait dans la mesure de leur force physique.'

...

Mais, quoi qu'il en soit, Saigon est l'entrepôt des riz qui nourrissent en partie Hue et l'armée annamite et qui doivent remonter vers le Nord; au mois de mars nous arrêterons ces riz".

Tạm dịch:

"Sài Gòn nằm trên một con sông mà chiến hạm của ta có thể vào gần một cách dễ dàng. Quân lính cũng có thể lên bộ đánh thành ngay, không phải mệt nhọc mang vác vũ khí và lương thực trên đoạn đường dài.

...

Sài Gòn là một vựa lúa, cung cấp một phần lớn lương thực cho dân chúng và binh lính ở kinh thành Huế. Thường thì khoảng vào tháng 3, thuyền chở thóc gạo sẽ chở lên phía Bắc, vì vậy chúng tôi sẽ chận số thóc gạo đó lại."

— Charles Rigault de Genouilly[23]

Để thuyết phục hơn nữa, De Genouilly bồi thêm:

"Les négociants de Hong-kong poussaient, dit-on, les autorités anglaises à faire une démonstration sur ce point. Il me semble important de couper court à cette apparition possible des troupes britanniques dans notre rayon d'action."

Tạm dịch:

"Theo các nguồn tin, các thương gia Hồng Kông đang thúc giục các nhà chức trách Vương quốc Anh ở đấy tổ chức tấn công vào mục tiêu này (Gia Định). Theo tôi, chúng ta cần phải chận đứng sự xuất hiện của quân Anh trong phạm vi hoạt động của chúng ta".

— Charles Rigault de Genouilly[23]
Pháo hạm của De Genouilly bắn phá thành Gia Định ngày 18 tháng 2 năm 1859, tranh vẽ của Antoine Morel-Fatio.

Nhận định của De Genouilly quả thật không tồi. Các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều đánh giá quá thấp vai trò của thành Gia Định và đã không chú ý phòng thủ tại khu vực này. Ngày 9 tháng 2 năm 1859, Liên quân vào đến cửa Cần Giờ và lần lượt tấn công các đồn dọc sông Sài Gòn. Rạng sáng ngày 17 tháng 2, Liên quân tấn công thành Gia Định và chiếm được thành trong vòng chưa đến 1 ngày.

Liên quân Pháp-Tây Ban Nha công thành Gia Định ngày 18 tháng 2 năm 1859.

Dù chiếm được thành và thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, De Genouilly không đủ quân để có thể phát triển rộng hơn, đành cho phá thành và đóng quân ở đồn Vàm Cỏ[24], thường xuyên bị quân Nam tập kích, quấy phá. De Genouilly bị triệu hồi, Chuẩn đô đốc Théogène François Page được cử sang thay vào tháng 11 năm 1859. Do việc Pháp tham chiến tại Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến lần hai, không thể nhận được tăng viện từ chính quốc, Page đành phải rút quân khỏi Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1860. Một phần binh lính phải gửi sang Trung Quốc để hỗ trợ cho lực lượng của Phó đô đốc Léonard Victor Joseph Charner. Tháng 4 năm 1860, đến phiên Page bị triệu hồi, tạm giao quyền lại cho Đại tá d’Aries[25].

Triều đình Huế vội vã nhận định người Pháp đã bỏ cuộc, ra lệnh các tướng ở Gia Định kiên nhẫn xây dựng thế trận bao vây chờ đối phương rút đi để tránh đổ máu. Trong suốt 1 năm, từ tháng 3 năm 1860 đến tháng 2 năm 1861, lực lượng liên quân tại Sài Gòn chỉ còn khoảng 1.000 người, bị bao vây bởi lực lượng quân Nam đông gấp 10 lần[25]. Nhận định tình thế kém, họ không cương quyết nhổ bỏ bàn đạp nguy hiểm này để cho người Pháp có thời gian rảnh tay tăng viện thêm lực lượng viễn chinh của Phó đô đốc Charner, phải chịu thất bại nặng nề tại Trận Đại đồn Chí Hòa ngày 25 tháng 2 năm 1861[26]. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ mất quyền kiểm soát ở 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Tuy người Pháp dễ dàng hạ thành chiếm đất, nhưng tình thế không dễ dàng khi họ liên tục phải đối phó với các cuộc tập kích của quân binh và dân binh Đại Nam. Sự sa lầy của người Pháp lại bất ngờ được giải thoát bởi một nước cờ ngớ ngẩn của Triều đình Huế.

May mắn thay, đang lúc phải đón đợi một tình thế xấu thì Huế lại yêu cầu ký hòa ước.

— [27].

Trung tá Simon từ Bắc trở về báo cho quan đô đốc (Bonard) rằng người An Nam muốn điều đình...là một tin mừng giữa lúc có nhiều lo âu quan trọng...Người ta ngạc nhiên về sự dễ dàng của người An Nam, trước kia đã từng bác bỏ các ý định giảng hòa của chúng ta với bao nhiêu bực tức, đột nhiên lại đến yêu cầu một hiệp ước mà điều kiện hình như đắt giá với họ.

— Paulin François Alexandre Vial, Giám đốc Nội vụ Nam Kỳ.[28].

Chuẩn đô đốc Bonard, người sang thay cho Charner, cũng hoàn toàn bất ngờ khi triều đình Huế nhanh chóng chấp nhận ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 với những điều kiện bất bình đẳng.

Phải nói rằng tôi chỉ còn biết hài lòng về chính phủ Tự Đức và những người thay mặt họ đã giúp tôi tại Nam Kỳ để cho hiệp ước được thi hành sớm chừng nào hay chừng ấy
— Louis Adolphe Bonard[29]

Kém nhận định về tình hình đối phương, quá vội vã trong việc tìm kiếm giải pháp giải quyết chiến tranh ở cả hai đầu Nam - Bắc, gặp sự phản ứng quyết liệt từ trong nước, triều đình Huế bấy giờ mới biết mình bị hớ, vội tìm cách vớt vát bằng cách cử một sứ bộ do Phan Thanh Giản đứng đầu sang Pháp đề nghị chuộc lại các 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.[30]

Phan Thanh Giản tại Paris năm 1863.

Với việc trả lại thành Vĩnh Long, triều đình Huế rất hy vọng vào giải pháp này. Tuy nhiên, họ không đánh giá đúng tham vọng của người Pháp là muốn nuốt trọn cả vùng viễn đông để tìm kiếm lợi ích lâu dài. Vì vậy, phái đoàn Phan Thanh Giản phải về nước mà không thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào, khi vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa Chasseloup-Laubat.

Năm 1864, Pháp đã chiếm xong Campuchia và ổn định được tình hình ở 3 tỉnh miền Đông. Họ bắt tay vào thực hiện tiếp bước tiếp theo. Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Phó đô đốc La Grandière chỉ huy 16 chiến hạm cùng với 1.200 lính thủy đánh bộ người Pháp và 400 lính tập người Việt tập kết trước thành Vĩnh Long, đưa thư đòi kinh lược Phan Thanh Giản giao nộp thành không điều kiện, đồng thời viết thư khuyên quan quân ở hai tỉnh còn lại là An GiangHà Tiên phải hạ khí giới, giao nộp thành trì... Ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ rơi vào tay người Pháp mà họ không phải nổ một phát súng hay rơi một giọt máu nào. Ngày 24 tháng 6, người Pháp hoàn toàn kiểm soát Nam Kỳ.

Bắc Kỳ

Đại tá Henri Rivière, người bị Quân cờ đen giết chết năm 1883.

Năm 1873, Francis Garnier đã được giao phụ trách một đội viễn chinh đến Bắc Kỳ, với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người Pháp ở đó, sau những rắc rối gặp phải do thương nhân người Pháp Jean Dupuis[31]. Garnier cập bến Hà Nội ngày 3 tháng 11 năm 1873, và các cuộc đàm phán không đi tới kết quả. Ngày 20 tháng 11, Garnier tiến hành một cuộc tấn công vào khu thành cổ Hà Nội và bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ với 9 sĩ quan, 175 lính, và 2 tàu chiến[31].Đội quân cờ đen chống lại sự xâm nhập của người Pháp, họ tiến hành một cuộc tấn công du kích dẫn đến cái chết của Garnier ngày 20 tháng 12 năm 1873[31].

Tháng 3 năm 1882, thuyền trưởng Henri Rivière một lần nữa tới Hà Nội với 3 tàu chiến, 700 lính để đòi hỏi một thỏa ước thương mại. Sau một số hành động khiêu khích, Rivière chiếm Hà Nội vào tháng 4 năm 1882. Một lần nữa, quân Cờ Đen phản công, và Rivière bị giết tháng 5 năm 1883 trong trận Cầu Giấy, dẫn đến tại Pháp sự ủng hộ gần như hoàn toàn sự can thiệp vũ trang lớn tới Việt Nam[32]. Ngân sách đã được thông qua, một lực lượng lớn gồm 4000 lính, 29 tàu chiến (có 4 tàu chiến bọc thép trong đó) đã được gửi đi. Đô đốc Amédée Courbet đứng đầu lực lượng tới Bắc Kỳ, trong khi đô đốc Meyer sẽ hoạt động ở Trung Quốc[32].

Trung Kỳ

Đô đốc Courbet tại Huế.

Sau một tối hậu thư không thành, vào ngày 18-19 tháng 8 năm 1883, Courbet đã cho bắn phá các công sự phòng thủ của kinh đô Huế. Các công sự đã bị chiếm vào ngày 20. Các pháo hạm Lynx và Vipère đã đến thủ đô. Ngày 25 tháng 8, triều đình Việt Nam chấp nhận ký Hòa ước Quý Mùi, 1883[32]. Hiệp ước này công nhận sự bảo hộ của người Pháp trên các phần còn lại của Việt Nam (Trung Kì và Bắc Kì)[33][34][35].

Chiến dịch Bắc Kỳ và chiến tranh Pháp Thanh

Cuộc vây hãm thành Sơn Tây, 16/12/1883.Chiếm đánh Bắc Ninh, 12/03/1884.Thủy quân lục chiến tại trận Bắc Ninh.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quan_hệ_Pháp_–_Việt_Nam http://books.google.com/books?id=0HIzAAAAMAAJ&q=%2... http://books.google.com/books?id=9RorGHF0fGIC&pg=P... http://books.google.com/books?id=9RorGHF0fGIC&pg=P... http://books.google.com/books?id=9RorGHF0fGIC&pg=P... http://books.google.com/books?id=Ex_Hy0sv4T0C&pg=P... http://books.google.com/books?id=Jskyi00bspcC&pg=P... http://books.google.com/books?id=Jskyi00bspcC&pg=P... http://books.google.com/books?id=Jskyi00bspcC&pg=P... http://books.google.com/books?id=Jskyi00bspcC&pg=P... http://books.google.com/books?id=Jskyi00bspcC&pg=P...